quentin-tarantino

Những bộ phim hay nhất của Quentin Tarantino, giấc mộng Hollywood về bạo lực và trả thù vẫn còn tiếp diễn?

Giải trí
Rate this post

Giới ghiền phim hẳn không còn lạ gì tên tuổi của một trong những vị đạo diễn “mạnh bạo” nhất giới Hollywood: Quentin Tarantino. Với phong cách làm phim có phần thấm đẫm hơi thở bạo lực xoay quanh chủ đề báo thù, vị đạo diễn nổi tiếng này đã kịp ghi danh với một bảng vàng những bộ phim được bảo chứng bởi giới phê bình và cả người hâm mộ, ngay cả khi sự nghiệp làm phim của ông mới chỉ bắt đầu từ thập niên 90.

quentin-tarantino

Có thể nói, trong số vô vàn những tên tuổi được săn đón tại Mỹ – xứ sở của nền điện ảnh hiện đại đầy màu sắc, ông vẫn gây được dấu ấn với phong cách chẳng giống ai của mình. Hãy cùng điểm sơ qua những bộ phim hay nhất của Quentin Tarantino, những dấu son chói lọi nhất trong sự nghiệp của nhà đạo diễn kì tài này nhé.

Reservoir Dogs

reservoir-dogs

Một trong những ví dụ đi ngược lại câu nói “Vạn sự khởi đầu nan”, mặc dù là tác phẩm đầu tay đưa Quentin Taratino tới với công chúng, nhưng nó đã xuất sắc ghi điểm trong lòng các nhà phê bình trong giới. Bên cạnh đó, dường như sau Reservoir Dogs, tương lai của dòng phim độc lập đã được đánh giá là có vẻ xán lạn hơn rất nhiều. Tuy nội dung phim không có gì phức tạp, nhưng cách thể hiện đề tài tội phạm theo một góc nhìn rất riêng này đã đánh dấu cho sự nghiệp của vị đạo diễn tài ba này.

Dẫu rằng vẫn có những ý kiến chỉ trích vì sự bạo lực trong một số cảnh quay hay bộ phim có quá nhiều từ chửi thề không bị cắt, thì những thành công bước đầu mà bộ phim này mang lại cho Quentin là không thể phủ nhận được. Dù sao thì xem phim Quentin Tarantino mà không nghe được tiếng chửi thề mới là lạ.

Pulp Fiction

pulp-fiction

Theo đúng nghĩa của tiêu đề, nội dung phim không có gì khác là xoay quanh những chuyện “tào lao” về giới tội phạm. Các câu chuyện thể hiện trong phim đều không có sự kết nối, vô cùng rời rạc, thậm chí còn chêm vào đó là những phân cảnh máu me, bạo lực, tình dục với ngôn từ tục tĩu được sử dụng liên tục. Nhưng bất ngờ thay, đây là bộ phim đã mang lại cho Quentin Tarantino một tượng vàng Oscar, một quả cầu vàng và một cành cọ vàng, cũng là bộ phim độc lập đầu tiên có thể thu về trong tay số tiền tương đương những bom tấn khác cùng thời với doanh thu lên tới 200 triệu đô.

pulp-fiction

Kì lạ hơn nữa, dù bộ phim không hề chia phe Thiện – Ác, casting hầu như toàn những ngôi sao đang phập phù trôi nổi như Urma Thurman, Bruce Willis, John Travolta và Samuel L. Jackson, thậm chí còn bị gắn mác R, nhưng vượt qua tất cả, bộ phim vẫn nằm trong top 7 những phim gangster hay nhất do viện điện ảnh Mỹ bầu chọn.

Những fan cuồng của Quentin đều ưu ái gọi đây là đỉnh cao mà không ai có thể vượt qua được, còn ông thì có thể tự hào đứng giữa Hollywood mà tuyên bố “Quentin Tarantino là ai”.

Kill Bill phần 1 và 2

kill-bill

Bộ phim trả thù hai phần này có nội dung cực kì đơn giản, xoay quanh một người cựu sát thủ truy tìm những kẻ từng chung băng nhóm với mình, được Quentin Tarantino tự viết kịch bản và lên kế hoạch quay phim, thậm chí còn chỉ ra mắt cách nhau có vài tháng (Phần một ra mắt cuối năm 2003 còn phần hai lại ngay đầu năm 2004), nhưng vẫn khiến người xem không thể rời mắt khỏi rạp.

Nữ chính có thể vận dụng hầu hết tất cả những tuyệt kĩ võ thuật tới từ nhiều nền văn hoá khác nhau, ở đây là một chút Lý Tiểu Long, ở kia ta lại thấy hình ảnh Samurai dường như lại xuất hiện và không thể thiếu âm hưởng cao bồi rất Mỹ, dường như mọi gia vị của một bộ phim hành động đã được Quentin đưa vào hết nồi lẩu thập cẩm này, và may mắn thay, nó ngon và hấp dẫn tới mức tới tận sau này, bỏ qua những tình tiết phi lý như việc một người phụ nữ gầy gò lại có thể “đồ sát” cả một băng nhóm Yakuza hơn 81 người, Kill Bill vẫn được tôn sùng là cuốn sách giáo khoa chuẩn mực cho thể loại phim hành động cực kì bạo lực.

kill-bill

Nhiều người còn kì vọng đạo diễn Quentin Tarantino sẽ làm tiếp phần 3, dù cho Urma Thurman, nữ anh hùng trong lòng chúng ta có vẻ rất khó để có thể đóng tiếp được nữa do vấn đề sức khoẻ và tuổi tác.

Inglourious Basterds

inglourious-basterds

Là bộ phim đạt doanh thu cao nhất của Quentin Taratino với hơn 321 triệu USD thu về trong năm 2009, không còn nghi ngờ gì nữa, đây chính là sự bảo chứng cho tên tuổi của vị đạo diễn này. Chắc hẳn, những ai đã từng xem qua bộ phim không thể quên được diễn xuất thần sầu của Christopher Waltz, thủ vai đại tá phe Phát xít, với đoạn đối thoại ngắn lột tả rõ ràng vẻ âm hiểm của mình ngay trong năm phút mở đầu phim, trường đoạn này đã dự báo sự căng thẳng tới nghẹt thở xuyên suốt hơn hai tiếng rưỡi còn lại. Qua đó, bộ phim lại ưu ái nhận được đề cử Oscar hay Quả cầu vàng tại một loạt hạng mục, mà xuất sắc nhất chính là ở “Diễn viên xuất sắc nhất” cho Waltz – vị “đại tá” Hans Landa với hai câu thơ không thể tương xứng hơn được nữa khi miêu tả về gã: “Bề ngoài thơn thớt nói cười – Bên trong nguy hiểm giết người không dao”.

inglourious-basterds

Dù bạn có hay không là người hâm mộ Quentin, thì đây vẫn là tác phẩm xứng đáng liệt vào hàng “Không thể bỏ qua” trong chùm phim của vị đạo diễn tài năng này.

Django Unchained

django-unchained

Một trong những bộ phim Quentin Tarantino mang tới nhiều bất ngờ nhất cho người xem. Ngay từ poster quảng bá, Django Unchained đã gợi lên nhiều tranh cãi với hình ảnh nam chính da màu ăn mặc như một chàng cao bồi thứ thiệt do Jamie Foxx thủ vai, cùng hai nhân vật phe phản diện người da trắng không ai khác ngoài Leonardo DiCaprio và Christopher Waltz đóng. Sự trả thù của một người nô lệ da đen vốn không có gì là đặc biệt, nhưng với bàn tay và khối óc sáng tạo của mình, Quentin Tarantino vẫn khiến giới phê bình và khán giả phải ngả mũ kính phục. Với 2 giải Oscar nhận được tại lễ trao giải thưởng cao quý này lần thứ 85, ông lại khẳng định mình vẫn là một kẻ “bất khả chiến bại” khi cân bằng được cả doanh thu lẫn đảm bảo tính nghệ thuật cho tác phẩm.

Once upon a time in Hollywood

once-upon-a-time-in-hollywood

Khó mà đánh giá đây có phải một bộ phim hay của Quentin Tarantino hay không? Ngày xửa ngày xưa hay ngày nảy ngày nay? Với những ai đủ kiên nhẫn ngồi tới cuối bộ phim dài như Avengers: Endgame thì sẽ hiểu cái tựa Once Upon a Time in Hollywood không chỉ đơn giản là tên phim mà là một cú punchline đúng nghĩa đấm vào mặt khán giả. Cả bộ phim như một trò lừa của Quentin Taratino được lên kế hoạch kỹ lưỡng từng bước. Từ khi công bố dự án, casting diễn viên đến marketing. Khán giả ôm nỗi lòng và kỳ vọng siêu to khổng lồ tới rạp rồi từ từ sập bẫy ông bác vui tính, đến lúc nhận ra mình bị lừa thì đã quá muộn và chỉ kịp thốt lên mỗi câu ‘oh shit’ rồi giơ tay đầu hàng.

once-upon-a-time-in-hollywood

Người ta bảo OUATIH là bản thơ tình của Taratino gửi tới kỷ nguyên vàng thập niên 60 nhưng có lẽ phim này giống inside joke của Hollywood hơn. Trái chiều và khó hiểu, nhưng có lẽ, chỉ những ai theo chân nhà đạo diễn kì lạ này mới có thể ngấm được, còn khán giả ư, thôi thì cứ để mọi người tự mình cảm nhận. Có thể đây chính là cuộc trả thù cuối cùng của Quentin nhắm tới khán giả của mình, cũng đầy bạo lực và dối lừa.

Vậy còn bạn thì sao? Bạn đã xem được bao nhiêu tác phẩm trong danh sách phim của Quentin Tarantino rồi?

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *